Tạo một website miễn phí hoặc 1 blog với Wo
VISAGISM – NGHỆ THUẬT BỐ CỤC TRONG
NHA KHOA
Standard
Từ trước đến
nay, việc thiết kế phục hình thẩm mỹ thường dựa trên kinh nghiệm và góc nhìn
của riêng mỗi bác sĩ, đôi khi còn được cho là phụ thuộc vào năng khiếu của mỗi
người. Đó là vì chúng ta ít được học về những kiến thức này khi ở trường. Để
thiết kế được một nụ cười đẹp cần một số kỹ năng như đánh giá thẩm mỹ, phân
tích khuôn mặt, vận động môi… và hiểu biết về tỉ lệ, phối cảnh, ánh sáng, ảo
giác, bố cục, hình dạng… Đa phần những điều này không được dạy trong trường nha
mà thường được dạy trong các lớp học về nghệ thuật. Bài viết hôm nay trình bày
về một khía cạnh của việc thiết kế nụ cười, đó là mối liên hệ giữa hình dạng
thiết kế với tính cách của bệnh nhân thông qua concept Visagism. Visagism được
ứng dụng trong quy trình Digital Smile Design để chọn thiết kế phục hình phù
hợp với đặc điểm tâm lý, cảm xúc, cá tính của bệnh nhân cũng như cảm giác tương
ứng cho người nhìn.
Visagism là gì?
Visagism là
một concept về thẩm mỹ khuôn mặt thường được ứng dụng trong các ngành chăm sóc
sắc đẹp như trang điểm, làm tóc…là một ứng dụng của tâm lý học nhân trắc
(morpho-psychology). Concept này bắt nguồn từ mối liên hệ giữa các định luật
trong hội họa với các chuyên ngành như tâm lý học, sinh học thần kinh, nhân
chủng học và xã hội học. Visagism liên quan đến việc tạo những hình ảnh miêu tả
cảm quan về nhân dạng của mỗi người, cho phép xác định những nét tiêu biểu về
tính cách mà họ muốn thể hiện ra ngoài. Trong nha khoa, nơi thể hiện chính là
nụ cười của bệnh nhân.
Để hiểu rõ về
Visagism, trước hết chúng ta hãy làm quen với khái niệm “biểu tượng cổ mẫu” và
những kiểu tính cách cơ bản.
Biểu tượng cổ mẫu.
Biểu tượng cổ
mẫu là những biểu tượng và hình ảnh được dùng với ý nghĩa giống nhau ở tất cả
các nền văn hóa. Dạng đơn giản nhất của biểu tượng cổ mẫu chính là các hình
dạng cơ bản: vuông, tròn, tam giác, hình ∞… Các màu sắc cơ bản cũng là các biểu
tượng cổ mẫu. Mỗi kết cấu trực quan đều được tạo thành từ một hoặc kết hợp của
nhiều biểu tượng cổ mẫu này. Chúng tạo thành một ngôn ngữ chung, không phân
biệt văn hóa, chủng tộc, tôn giáo. Chẳng hạn như: hình vuông luôn tượng trưng
cho mặt đất, thể hiện sự vững vàng, trầm tính, trong khi hình tròn thể hiện sự
toàn vẹn, hoàn hảo; màu đỏ luôn thể hiện sự sôi nổi, năng động… Ngôn ngữ của
biểu tượng cổ mẫu là một phần của tiềm thức.
Khi một người
ghi nhận thiết kế nụ cười nào đó, trước tiên nó sẽ được vỏ não cảm xúc ghi nhận
như một sự kết hợp của các đường nét cổ mẫu, các biểu tượng cổ mẫu này sẽ mang
một ý nghĩa nhất định, tạo nên một đáp ứng cảm xúc tức thì. Các đáp ứng cảm xúc
này sẽ tương ứng với một loại tính khí nhất định.
Các dạng tính khí cơ bản.
Theo
Hippocrates, cá tính của một người là sự kết hợp của bốn dạng tính khí cơ bản:
nóng nảy, lạc quan, u sầu và bình thản. Một hoặc hai dạng trên sẽ chiếm ưu thế
so với các dạng khác. Tuy nhiên bác sĩ lâm sàng cần chú ý bệnh nhân có thể cảm
thấy không thoải mái khi được xếp vào dạng nóng nảy, u sầu, hoặc có thể không hiểu
các thuật ngữ như lạc quan, bình thản. Ta có thể thay thế thành các từ như mạnh
mẽ, năng động, nhạy cảm và điềm tĩnh.
Kết hợp lý
thuyết về biểu tượng cổ mẫu với các yếu tố thị giác, ta thấy ý nghĩa của vật
thể là do các đường nét, góc cạnh, hình dạng và màu sắc tạo nên. Ngày nay, các
chuyên gia liên quan đến thẩm mỹ khuôn mặt có thể áp dụng những yếu tố này vào
công việc. Hình dạng của khuôn mặt tương ứng với bốn tính khí có thể được miêu
tả như sau:
·
Nóng nảy/mạnh mẽ: kiểu người này có
gương mặt dạng chữ nhật với các góc cạnh rõ; các đường nét thẳng ngang, dọc
quanh trán và miệng; đôi mắt sâu. Kiểu người nóng nảy/mạnh mẽ có cá tính đặc
trưng bởi khả năng lãnh đạo, mạnh mẽ, sự quyết đoán, táo bạo và can đảm.
·
Lạc quan/năng động: kiểu người này có
gương mặt gầy được tạo nên bởi những đường nghiêng quanh mắt và trán, mũi lớn
và miệng rộng. Người lạc quan/năng động thường rất lanh lợi, cởi mở và hướng
ngoại.
·
U sầu/nhạy cảm: kiểu người này có đôi
mắt sát nhau và khuôn mặt hình bầu dục, hơi tròn hoặc được tạo thành từ những
đường nét mỏng. Tính cách u sầu/nhạy cảm được đặc trưng bởi sự dịu dàng, hòa
nhã, khả năng nhận thức và suy nghĩ trừu tượng.
·
Bình thản/điềm tĩnh: kiểu người này
thường hiền lành, thận trọng và khôn khéo; họ có khuôn mặt tròn hoặc vuông, môi
dưới nhô và mí mắt nặng.
Visagism trong nha khoa
Hình dạng của các răng trước được xác định bởi vùng phản chiếu ánh sáng
trực tiếp ra phía trước, giữa các gờ phản xạ ánh sáng phía gần, phía xa, phía
cổ răng và cạnh cắn, hay còn gọi là vùng tối Pincus).
Có 4 hình
dạng răng cơ bản: chữ nhật, tam giác, bầu dục và hình vuông, với một vài biến
thể. Các đường dọc, ngang, xéo, thẳng và cong tương tác theo vô số kiểu để tạo
nên sự đa dạng trong hình dáng răng tự nhiên. Những đường nét này tiềm ẩn sức
mạnh biểu đạt và ý nghĩa cảm xúc riêng:
·
Đường thẳng dọc tượng trưng cho sức
mạnh, nội lực và sự nam tính.
·
Đường thẳng ngang thể hiện sự cân bằng,
bị động và thanh bình. Chúng cũng có thể tượng trưng cho một rào cản.
·
Đường xéo thể hiện sự năng động, sự dịch
chuyển và niềm vui.
·
Đường cong thể hiện sự chuyển tiếp dần
giữa hai mặt phẳng (ngang và dọc) và tượng trưng cho sự dịu dàng, thanh nhã, nữ
tính và gợi cảm.
Trong khuôn
miệng, răng cửa giữa hàm trên có vị trí nổi bật, là một thành phần quan trọng
của biểu cảm không lời. Răng cửa bên thì lại liên quan đến khía cạnh trí tuệ và
cảm xúc của tính cách, trong khi răng nanh thể hiện sự kiên định, khát khao và
năng động. Đôi môi cũng diễn đạt những thông tin quan trọng thông qua hình
dáng, kích thước, độ dày và bề rộng của nụ cười.
Khi đánh giá các răng trước hàm trên, một số đường tham chiếu cũng nên được
cân nhắc, chẳng hạn như đường nối các điềm cao nhất của viền nướu, nối điểm
tiếp xúc của các răng cửa, các đỉnh gai nướu và mặt phẳng rìa cắn. Những đường
này cũng là những “biểu tượng cổ mẫu”, nghĩa là những biến thể đặc biệt trong
bố cục của chúng sẽ gợi lên những cảm giác khác nhau cho người xem. Bác sĩ lâm
sàng cũng cần hiểu được những thông điệp cảm xúc đằng sau mỗi thiết kế.
Thiết kế trong miệng
Thiết kế của
các răng trước hàm trên, đặc điểm của môi và hình dạng cung răng tạo thành một
thông điệp mạnh mẽ. Thiết kế thẩm mỹ trong nha khoa có thể phân thành các nhóm
sau đây:
·
Nóng nảy/mạnh mẽ: thiết kế này có các
răng trước hàm trên được sắp xếp với trục răng thẳng đứng, vuông góc với mặt
phẳng ngang. Bố cục đối xứng. Đường nối điểm tiếp xúc của các răng cửa nằm
ngang. Đường nối các điểm cao nhất của viền nướu từ răng nanh này đến răng nanh
kia cũng nằm ngang, cao hơn các răng cửa.
Răng cửa giữa hình chữ nhật, kích thước nổi bật. Cạnh cắn các răng cửa
phẳng. Răng nanh có múi răng nổi bật, nằm theo trục dọc. Cung răng hình chữ
nhật nổi bật.
·
Lạc quan/năng động: thiết kế này có trục
các răng trước hàm trên nghiêng nhẹ về phía xa, đối xứng vừa phải. Đường nối
các điểm cao nhất của viền nướu đi lên cao hoặc theo hình zigzag. Đường nối các
điểm tiếp xúc và mặt phẳng rìa cắn đi lên cao từ đường giữa.
Răng cửa giữa thường có dạng tam giác hoặc hình thoi. Mặt ngoài răng nanh
thẳng và nghiêng trong. Trục các răng hội tụ.
·
U sầu/nhạy cảm: thiết kế này có các răng
trước hàm trên hơi nghiêng xa hoặc gồm nhiều đoạn thẳng, đối xứng nhẹ. Đường
nối các điểm cao nhất của viền nướu và đường nối các điểm tiếp xúc đi xuống từ
đường giữa.
Hình dạng của răng cửa giữa thường bầu dục, kích thước chiếm ưu thế so với
các răng khác. Răng cửa bên thanh mảnh. Mặt ngoài của răng nanh thường cong và
nghiêng gần, múi răng tròn. Cung răng đa số hình bầu dục.
·
Bình thản/điềm tĩnh: thiết kế này có các
răng trước hàm trên với trục vuông góc mặt phẳng ngang hoặc hơi phân kỳ. Ngoại
trừ răng nanh có thể hơi xoay nhẹ sang bên. Không có nhóm răng nào chiếm ưu
thế. Thường có sự đối xứng theo chiều ngang với các khe hở trên một cung răng
rộng. Đường nối các điểm cao nhất của đường viền nướu cũng như đường nối các
điểm tiếp xúc thường thẳng.
Răng cửa giữa có xu hướng vuông và nhỏ, trong khi mặt ngoài của răng nanh
thường cong và ở vị trí thẳng đứng. Cung răng thường tròn.
Lời kết
Visagism là
một concept mới, ứng dụng các nguyên lý của nghệ thuật thị giác vào các thành
phần của nụ cười. Mục tiêu là để thiết kế thể hiện được cá tính và phong cách
của bệnh nhân, đảm bảo được sự hài hòa giữa phục hình với diện mạo và thái độ
của họ. Từ những thiết kế thẩm mỹ cơ bản, ta có thể lựa chọn những biến thể phù
hợp nhất với mỗi bệnh nhân. Hy vọng bài viết này có thể giúp mọi người có một
góc nhìn cơ bản và rõ ràng hơn về thiết kế thẩm mỹ nụ cười vốn còn nhiều mơ hồ.
Từ đó ứng dụng trong công việc hằng ngày để mang lại những phục hình đẹp hơn
cho bệnh nhân.